Lợi nhuận giảm sút nặng nề
Cuối năm 2023, Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An nhận thêm một tàu container và thử nghiệm chạy tuyến nội địa. Sở hữu đội tàu container hùng hậu, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Hải An ghi nhận những biến động lớn trong doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Đa số doanh nghiệp kinh doanh vận tải tàu container đều giảm sút lợi nhuận trong quý I/2024
Theo đó, doanh nghiệp có doanh thu thuần trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 704 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng 29% khiến lợi nhuận gộp giảm 45%, còn 106 tỷ đồng.
Hải An báo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm tới 56%, đạt 67 tỷ đồng. Lãi sau thuế quý giảm mạnh 63% so với cùng kỳ năm trước, đạt 47 tỷ đồng.
Theo đại diện Hải An, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm mạnh do hoạt động vận tải giảm. Cụ thể, sản lượng vận tải có tăng thêm do mở thêm tuyến vận tải nhưng giá cước biển giảm, giá cho thuê tàu cũng giảm dẫn tới lợi nhuận khai thác tàu giảm mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các công ty con, công ty liên kết cũng bị ảnh hưởng làm giảm lãi.
Công ty CP Hàng hải Đông Đô cũng không thoát khỏi tình trạng lợi nhuận giảm sút mạnh trong 3 tháng đầu năm 2024. Đông Đô ghi nhận doanh thu thuần hơn 50 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Giá vốn bán hàng đạt 72 tỷ đồng, làm lãi gộp lỗ hơn 21,8 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Đông Đô lỗ hơn 30,6 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính riêng, Đông Đô báo lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 lỗ 30,5 tỷ đồng, lỗ tăng 9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Cũng có lãi giảm trong quý I/2024 là Công ty CP Vinafco. Báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp trong quý ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 286 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cho thấy trong quý, Vinafco lỗ 4,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023, doanh nghiệp lãi 7,8 tỷ đồng.
Đâu là nguyên nhân?
Một trong những nguyên nhân chung khiến các doanh nghiệp vận tải container sụt giảm lợi nhuận do giá cước vận tải giảm.
Vinafco lý giải, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm trước do sự biến động giảm về doanh thu và lợi nhuận của ngành dịch vụ vận tải.
Trong khi đó, với mức thua lỗ hơn 30 tỷ đồng, Đông Đô giải thích do thị trường vận tải biển vẫn rất khó khăn. Giá cho thuê tàu cước vận tải với cỡ tàu biển mà công ty sở hữu giảm mạnh và duy trì ở mức thấp, chủ yếu do sự suy giảm của nhu cầu vận tải hàng hóa.
Trong hoàn cảnh đó, công ty đã từng bước tự khai thác các tàu. Việc tự khai thác một số con tàu làm doanh thu tăng so với việc cho thuê tàu định hạn. Tuy nhiên giá vốn cũng tăng lên đáng kể (tăng nhiên liệu, càng phí, nước ngọt...) dù doanh nghiệp đã áp dụng triệt để các biện pháp tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, chi phí sửa chữa lớn tàu biển cũng tăng do có tàu phải lên đà định kỳ.
Để ứng phó với tình hình trên, Đông Đô thông tin vẫn tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm phương thức khai thác đội tàu hiệu quả nhất để tiết giảm chi phí vận hành, chi phí quản lý.
Đồng thời, công ty cũng tích cực tìm kiếm khách hàng, nguồn hàng tốt, uy tín trên thị trường và vận dụng các phương thức khai thác tàu tốt nhất để cải thiện giá cước, tăng hiệu quả khai thác tàu của công ty.
Theo các chuyên gia, bước sang quý II, giá cước vận tải đã dần có những chuyển biến tích cực. Dữ liệu mới nhất của nền tảng nghiên cứu thị trường hàng hải Drewry cho thấy, chỉ số Container Thế giới tổng hợp đang giảm nhẹ so với thời cao điểm tháng 1/2024, hiện ở mức 2.706 USD/container 40 feet, tăng 55% so với cùng tuần năm ngoái.
Chỉ số tổng hợp trung bình từ đầu năm đến nay là 3.260 USD/container 40 feet, cao hơn 550 USD so với mức trung bình trong 10 năm là 2.710 USD.
_Sưu tầm_
— Tin tức —
VTEDCO
– Website tuyển dụng trực tuyến